Trong văn hóa vật dụng của người Việt, mỗi vùng miền đều mang một dấu ấn riêng. Nếu như ở miền Bắc, những chiếc rổ tre đan là hình ảnh quen thuộc trong mỗi gia đình thì ở miền Nam, cái cần xé lại giữ một vị trí đặc biệt. Vậy, cần xé là gì? Tại sao nó lại trở thành một vật dụng không thể thiếu trong đời sống của người dân miền Tây? Cùng Thành Vinh Plastic khám phá câu trả lời nhé!
Nguồn gốc của cần xé
Cần xé là một vật dụng truyền thống của người Việt Nam, có nguồn gốc từ các loại đồ dùng thủ công như sọt tre ở miền Bắc và gùi tre của đồng bào dân tộc miền núi. Nghề đan cần xé ra đời từ nhu cầu chứa đựng và vận chuyển hàng hóa trong nền kinh tế nông nghiệp từ lâu đời. Trong lịch sử, nghề này có mối liên hệ mật thiết với các ngành nghề thủ công như đan sọt, đan mê bồ, và chằm lá dừa.
Đặc biệt, thời nhà Nguyễn, khi công cuộc Nam tiến mở rộng đất đai và phát triển nông nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra mạnh mẽ, cần xé đã trở thành công cụ quan trọng để phục vụ sản xuất và giao thương. Với thiết kế miệng rộng, đáy sâu, và độ bền cao, cần xé được sử dụng phổ biến để chứa đựng nông sản, thủy sản và vật liệu, góp phần không nhỏ vào đời sống thường nhật và giao thương của người dân Nam Bộ. Qua nhiều thế hệ cần xé đã có nhiều chất liệu như cần xé tre và cần xé nhựa bên cạnh đó nghề đan cần xé không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tiễn mà còn lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này.
Phân loại và công dụng của cần xé
Cần xé có 2 chất liệu chính là tre và nhựa và được phân loại dựa trên công năng, hình dáng, và kích cỡ để phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Tùy theo nhu cầu sử dụng, cần xé có thể được thiết kế và chế tác phù hợp, nổi bật với các loại phổ biến như: cần xé cá để vận chuyển thủy sản, cần xé trái cây dành cho việc chứa đựng và bảo quản hoa quả, cần xé cát dùng trong ngành xây dựng, cần xé trấu để đựng các phụ phẩm nông nghiệp, hoặc cần xé hột vịt để vận chuyển thực phẩm. Sự đa dạng này cho thấy tính linh hoạt và ứng dụng rộng rãi của sản phẩm trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Về kích cỡ, cần xé được chia thành ba loại chính, mỗi loại có sức chứa và công dụng riêng biệt:
- Cần xé nhỏ: Đây là loại phổ biến, thường có sức chứa từ 1.5 đến 2 giạ lúa (tương đương khoảng 30-40kg). Loại này được dùng rộng rãi trong các công việc hàng ngày như đi chợ, đựng nông sản, hoặc vận chuyển các vật dụng nhẹ nhàng.
- Cần xé vừa: Với sức chứa từ 3 đến 5 giạ lúa (khoảng 60-100kg), cần xé vừa phù hợp cho các hoạt động nặng hơn, như thu hoạch nông sản hoặc vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn hơn. Đây là loại được sử dụng phổ biến tại các vựa trái cây, nông trại, hoặc chợ đầu mối.
- Cần xé đại: Loại cần xé này có sức chứa từ 10 đến 12 giạ lúa (khoảng 200kg), chủ yếu được sử dụng để lưu trữ hoặc vận chuyển số lượng lớn hàng hóa tại chỗ. Do kích thước và trọng lượng lớn, loại cần xé này ít phổ biến hơn và thường chỉ dùng trong các công việc đặc thù, nơi cần lưu trữ cố định.
Sự đa dạng về kích thước và công năng của cần xé không chỉ đáp ứng được nhu cầu khác nhau của người dân mà còn thể hiện sự sáng tạo trong việc tối ưu hóa các vật dụng truyền thống cho đời sống hàng ngày.
Kỹ thuật đan cần xé
Kỹ thuật đan cần xé là một quá trình thủ công phức tạp, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và kỹ năng cao. Các nguyên liệu chính được sử dụng để làm cần xé bao gồm tre trúc – chất liệu bền, dẻo, có khả năng chịu lực tốt – và dây mây – mềm dẻo, chắc chắn, dùng để cố định các phần quan trọng như miệng và quai. Những vật liệu này phải được lựa chọn kỹ càng, thường là tre già đã qua xử lý chống mối mọt để tăng độ bền cho sản phẩm.
Quy trình đan cần xé được thực hiện theo các bước cụ thể, kết hợp sự khéo léo và kinh nghiệm:
- Dập mê và đan mê: Đây là bước đầu tiên, tạo phần đáy cần xé. Người thợ chọn các nan tre được chẻ đều, sau đó đan ngang dọc thành một tấm vỉ vuông chắc chắn, gọi là “mê”. Tấm mê này được dập phẳng bằng búa để đảm bảo độ đều và cứng cáp, làm nền tảng cho toàn bộ cần xé.
- Lên góc: Sau khi tấm mê hoàn thiện, các cọng nan đứng được xỏ vào viền mê và uốn dựng lên, tạo thành khung thẳng đứng cho phần thân. Đây là bước quan trọng để định hình sản phẩm, đòi hỏi người thợ phải ước lượng và căn chỉnh độ vuông góc một cách chính xác.
- Xỏ nan đứng và nan ngang: Ở bước này, người thợ đan các nan ngang xen kẽ với nan đứng, tạo nên các mắt lưới chắc chắn cho phần thân cần xé. Việc đan phải đều tay, đảm bảo độ khít để tăng khả năng chịu lực và giữ đồ bên trong. Các khe hở được nén chặt bằng dụng cụ chuyên dụng như dao hoặc cây dộng để sản phẩm thêm chắc chắn.
- Cấu miệng: Khi thân cần xé đạt chiều cao mong muốn, các nan tre được uốn quanh phần miệng để tạo viền cố định. Người thợ sử dụng các cọng tre già hoặc dây mây để quấn chặt viền miệng, đảm bảo độ cứng và thẩm mỹ.
- Léo miệng: Sau khi cấu miệng, dây mây được dùng để buộc và cố định thêm, tránh tình trạng nan bung ra khi sử dụng. Dây mây vừa chắc chắn vừa dễ thao tác, giúp sản phẩm chịu lực tốt hơn.
- Vô quai và làm quai: Quai cần xé được làm từ cặp nan tre chắc chắn, uốn cong để tạo hình. Người thợ dùng dùi để nong các lỗ nhỏ quanh miệng cần xé, sau đó xỏ nan quai vào. Để quai bền và êm tay khi xách, dây mây được quấn quanh phần quai. Đồng thời, một sợi dây chì hoặc dây cứng khác được luồn từ quai qua đáy để tăng khả năng chịu lực.
- Ghim đáy: Cuối cùng, các nan tre được uốn hình chữ U để ghim vào đáy cần xé, giúp sản phẩm thêm chắc chắn và ổn định khi chứa đồ nặng. Tùy theo kích cỡ, mỗi cần xé thường có từ 6-8 nan ghim đáy.
Kỹ thuật đan cần xé không chỉ là một nghề thủ công mà còn là một di sản văn hóa, phản ánh trí tuệ và sự sáng tạo của người Việt. Mỗi chiếc cần xé hoàn thiện đều mang trong mình sự khéo léo của người thợ và giá trị truyền thống, phục vụ hiệu quả trong đời sống nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày.
Cần xé, người bạn đồng hành đắc lực trong công việc đồng áng và sinh hoạt hàng ngày. Với thiết kế đơn giản nhưng vô cùng tiện dụng, cần xé giúp việc vận chuyển, bảo quản các vật dụng trở nên dễ dàng hơn. Nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc cần xé chất lượng, hãy đến với Thành Vinh Plastic. Chúng tôi cung cấp đa dạng các mẫu cần xé nhựa với nhiều kích thước và màu sắc khác nhau, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.